Mỗi dân tộc của Việt Nam đều có những phong tục tập quán khác nhau. Nếu người Kinh có những tập quán văn minh, đậm nét truyền thống. Thì những dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái… lại có những phong tục hết sức thú vị. Trong đó phải kể đến phong tục bắt vợ của người Mông. Cơ hội lên đôi, thành vợ chồng của các cặp đôi yêu nhau mà chẳng cần phải cầu kỳ, trải qua khắt khe nào của hai bên gia đình. Cùng chúng tôi đi tìm hiểu về phong tục Việt Nam này qua bài chia sẻ dưới đây nhé.
Lịch Sử Hình Thành Phong Tục Bắt Vợ Của Dân Tộc Mông
Chúng ta thường thấy phong tục bắt vợ của người Mông qua những bộ phim. Điển hình chính là trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, qua bộ phim này nhiều người đã biết đến tục bắt vợ của người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phong tục này tại sao lại có và có từ bao giờ thì ít người biết.
Tại Sao Có Tục Bắt Vợ?
Tục bắt vợ của người dân tộc thiểu số nói chung và của người Mông nói riêng được bắt nguồn từ nền văn hóa, xã hội của họ. Người Mông sống tập trung chủ yếu có vùng núi, bản chất địa hình chắc trở và làm kinh tế khó. Chính những điều ấy đã hình thành cho họ suy nghĩ càng phải bảo vệ và yêu thương gia đình nhiều hơn. Và việc tìm kiếm một người vợ hợp ý, biết thương yêu và lo toan cho gia đình lại càng quan trọng. “Bắt vợ” là tập tục giúp họ hạn chế quà cáp, sính lễ và bỏ qua rào cản bị gia đình ngăn cấm. Đây là lý do chính hình thành ra tập tục văn hóa Việt Nam này.
Bên cạnh đó, người Mông đã sống ở các khu vực giao thoa văn hóa. Tiếp xúc nhiều với các dân tộc và vùng lân cận. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến tập tục bắt vợ và làm cho nó trở nên đa dạng và phong phú theo thời gian.
Phong Tục Bắt Vợ Có Từ Bao Giờ?
Văn hóa của người Mông có lịch sử lâu đời, và phong tục bắt vợ của họ cũng có mặt từ rất lâu rồi. Không ai biết chính xác phong tục này có từ ngày tháng năm nào. Người Mông sống ở rất nhiều nơi, bao gồm các khu vực ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan… trong suốt hàng ngàn năm qua. Trong thời gian này, họ đã phát triển và duy trì các phong tục tập quán truyền thống. Trong đó phong tục bắt vợ là một phần của những tập tục ấy.
Sự phát triển của tập tục này được kế thừa và truyền đạt miệng trong các gia đình và cộng đồng người Mông. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể nào nói về thời điểm tập tục bắt vợ xuất hiện.
Cách Đôi Lứa Lên Vợ Chồng Nhờ Phong Tục Bắt Vợ
Tục bắt vợ của người dân tộc Mông diễn ra như một trò chơi. Theo đó, hai người yêu nhau sẽ hẹn một ngày đẹp trời “hành sự”. Vào đêm khuya, con trai sẽ tìm đến nhà người con gái mình yêu và bắt về làm vợ. Điều này sẽ là lối thoát cho những hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện thách cưới. Đây cũng là cuộc hôn nhân dành cho hai người yêu nhau, có sự tôn trọng và tự do yêu đương. Cũng có những trường hợp nhìn thấy cô gái mình đi trên đường, ưng ý thì bắt về luôn.
Có rất nhiều cặp đôi trai gái yêu nhau mà gia cảnh nghèo khó, nên không đủ tiền thách cưới. Cũng chính vì thế mà gia đình đôi bên không đồng ý tính đến chuyện cưới xin. Nhưng nhờ có phong tục này mà những vấn đề liên quan đến gia cảnh, kinh tế được bỏ qua.
Hẹn sẵn ngày, người con trai sẽ cùng một vài người bạn đến “bắt” cô gái về làm vợ. Việc này dù cô gái đã biết trước nhưng vẫn cố tình giả vờ tỏ thái độ ngạc nhiên, kêu khóc. Đối với quan điểm của người Mông, nếu trong lúc bắt vợ mà cô gái khóc và kêu gào càng to, càng quyết liệt thì sau này nhất định hôn nhân của họ sẽ càng bền chặt. Và qua tục bắt vợ này thì cũng chứng tỏ được người đàn ông dũng cảm, chứng minh tình yêu thật sự sâu sắc thế nào với người con gái đó.
Trong trường hợp, người con trai yêu đơn phương, cố tình bắt cô gái không yêu mình về. Thì cô gái sẽ tìm cách trốn về nhà hoặc chàng trai sẽ ngơ đi để cô gái trốn khỏi nhà. Và nhà trai sẽ đem lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự”. Tuy nhiên, nếu cô gái không trốn về hoặc không trốn được thì 3 ngày sau nhà trai sẽ đến hỏi cưới.
Trường hợp cô gái không chấp thuận, không yêu người đã bắt mình thì nhà gái sẽ thách cưới rất cao. Nhà trai không đáp ứng được các yêu cầu thách cưới sẽ bị cả làng phạt vạ, khao dân làng ăn uống 7 ngày liên tiếp.
Phong tục bắt vợ của người Mông khẳng định sự tự do hôn nhân, xóa đi hủ tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, gia đình phải môn đăng hộ đối… Đối với những người phụ nữ, họ tự hào khi được người con trai bắt về làm vợ. Hay nói cách khác, người con gái đó ắt phải xinh đẹp, giỏi giang thì mới có người yêu thương và muốn bắt về. Theo quan điểm của người Mông, nếu không được bắt về thì sau này tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình sẽ ít có giá trị.
Sau này khi vợ chồng có cãi nhau, cô gái cũng có lý mà nói rằng được bắt về làm vợ. Mà đã bắt về, kéo về tại sao lại mắng người ta. Và như vậy thì người chồng cũng đành im lặng, chẳng cãi được. Cho nên, con gái dân tộc Mông đều thích bị bắt về thay vì theo về trong sự im lặng.
Lễ Cưới Hỏi Của Người Mông Sau Khi Bắt Vợ Thành Công
Sau khi đã bắt vợ thành công, người con gái cũng đồng ý gả cho người con trai. Thì sau 3 ngày nhà trai sẽ đến thông báo và hỏi cưới. Lễ cưới của người Mông cực kỳ đơn giản, có thể ở mỗi nơi sẽ mỗi khác. Nhưng riêng đối với người Mông gốc Thanh Hóa thì sính lễ mang đến nhà gái chỉ có một con lợn khoảng 50kg, 5 lít rượu và 1,7 triệu đồng tiền mặt.
Chỉ với sính lễ đơn giản như vậy là đã hoàn tất thủ tục thách cưới. Phong tục bắt vợ này quả là giúp các gia đình lấy vợ dễ dàng, chẳng hề hao tốn tiền của là bao. Tuy nhiên đó chỉ là đối với người Mông ở Thanh Hóa, còn ở những vùng miền khác thì sính lễ có thể được yêu cầu nhiều hơn, giá trị hơn.
Lời Kết
Phong tục bắt vợ của người dân tộc Mông quả thực khá thú vị và ly kỳ. Một nét văn hóa Việt chỉ có riêng người Mông thực hiện. Nếu muốn chứng kiến tận mắt cảnh “bắt vợ” thế nào thì bạn có thể ghé qua các bản làng mà người Mông sinh sống để tìm hiểu thêm nhé.